Những điều cần lưu ý khi bảo dưỡng ô tô dịp cuối năm

Dịp cuối năm, nhu cầu bảo dưỡng sửa chữa ô tô tại các xưởng dịch vụ thường tăng cao, chủ xe cần lưu ý một số điều để đảm bảo quyền lợi.

Đặt lịch hẹn bảo dưỡng

Đặt lịch hẹn trước khi đến bảo dưỡng thường không phải là thói quen của các chủ xe. Đa số chủ xe đều có xu hướng rảnh lúc nào đem xe đi bảo dưỡng lúc đó. Nhưng do công việc cuối năm bận rộn, dẫn đến lượng xe đi bảo dưỡng dồn vào những ngày cuối tuần khiến cho chất lượng dịch vụ giảm.

Đưa xe đi bảo dưỡng dịp cuối năm cần lưu ý điều gì? - Ảnh 1.

Đặt lịch hẹn khi đi bảo dưỡng sẽ giúp chủ xe tiết kiệm được thời gian.

Theo anh Văn Thanh, chủ một garage chuyên dịch vụ đồng sơn ô tô trên đường Lê Văn Lương (Hà Nội), những ngày gần đây lượng xe vào xưởng làm dịch vụ có xu hướng tăng, có những hôm tăng đến 30 - 40% so với tháng trước. Đặc biệt vào những ngày cuối tuần lượng xe vào xưởng tăng gấp đôi, có những ngày xưởng tiếp nhận tới 10 xe vào làm dịch vụ đồng sơn.

"Đặc thù của dịch vụ đồng sơn là thời gian thi công lâu, cùng với môi trường thực hiện công việc phải diễn ra trong phòng chuyên dụng nên sẽ tốn nhiều thời gian để hoàn thành sơn sửa một chiếc xe. Nếu chủ xe không đặt lịch trước khi tới xưởng sẽ phải chờ rất lâu".

Anh Thanh đưa ra lời khuyên cho khách hàng nên gọi điện và đặt lịch hẹn trước khi đưa xe qua xưởng. Như vậy garage cũng sẽ chủ động sắp xếp thời gian thi công cho khách hàng, và chủ xe cũng không phải mất thời gian chờ đợi.

Bảo dưỡng những hạng mục cần thiết

Khi bước vào dịp Tết nguyên đán, các xưởng dịch vụ thường có thời gian nghỉ lễ dài. Vì vậy tài xế nên bảo dưỡng những hạng mục cần thiết, để đảm bảo những chuyến hành trình không xảy ra sự cố.

 
 
 

Hạng mục cần lưu ý đầu tiên là dầu máy. Theo thời gian, dầu máy trong xe trở nên kém chất lượng làm giảm khả năng bôi trơn. Do vậy, người sử dụng cần thay dầu cho xe theo định kỳ khoảng 2.000-3.000 km một lần để xe luôn vận hành êm ái.

Đưa xe đi bảo dưỡng dịp cuối năm cần lưu ý điều gì? - Ảnh 2.

Bảo dưỡng những hạng mục cần thiết sẽ giúp chiếc xe vận hành mượt mà, êm ái.

Dầu phanh và má phanh cũng là những bộ phận hao mòn theo thời gian sử dụng. Má phanh mòn là một trong những nguyên nhân gây vênh đĩa phanh. Về lâu dài nếu không thay má phanh mới, trường hợp nặng bạn sẽ phải thay luôn cả đĩa phanh.

Bên cạnh đó, dầu phanh có thể bị nhiễm tạp chất sinh ra bọt khí trong quá trình hoạt động, làm giảm hiệu quả phanh hoặc làm phanh cứng, giật. Do đó, người sử dụng nên kiểm tra, thay mới má phanh, thay dầu phanh sau mỗi 15.000 – 20.000 km.

Hạng mục cần kiểm tra tiếp theo là bugi, đây là bộ phận đánh lửa đốt cháy nhiên liệu và sinh công suất cho xe. Đầu bugi mòn sẽ gây hiện tượng đánh lửa không đều, động cơ hụt hơi, hao xăng. Mặc dù bugi là một bộ phận có độ bền cao nhưng người sử dụng cũng nên kiểm tra và thay thế định kỳ 10.000 km/lần để xe luôn vận hành tốt nhất.

Chủ xe cũng cần lưu ý tới dầu cầu chủ động và dầu hộp số, đây là hạng mục ít được quan tâm, vì độ hao mòn ít hơn so với dầu máy. Tuy nhiên người sử dụng cũng nên lưu ý thay dầu cầu và dầu hộp số theo định kỳ của nhà sản xuất khuyến cáo, để đảm bảo khả năng truyền động mượt mà.

Lọc gió động cơ và lọc gió điều hòa cũng cần được vệ sinh và thay thế. Đây là hạng mục nhỏ thường bị bỏ qua khi bảo dưỡng, nhưng lại quyết định tới sức khỏe của động cơ và người sử dụng xe. Hai bộ phận này nên được vệ sinh sau mỗi 5000km và thay mới ở 20.000km.

(Nguồn: https://xe.baogiaothong.vn/bao-duong-dip-cuoi-nam-can-luu-y-dieu-gi-192231218145701254.htm )