Những chính sách mới liên qua đến ngành ô tô có hiệu lực bắt đầu từ tháng 10/2022

Trong tháng 10/2022 sẽ có một số chính sách đáng chú ý và bắt đầu có hiệu lực liên quan đến ngành ô tô.

Ô tô sẽ tăng giá đăng kiểm

Theo thông tư 55/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính, sửa đổi Thông tư 238/2016/TT-BTC quy định giá dịch vụ kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới, thiết bị và xe máy chuyên dùng đang lưu hành, đánh giá, hiệu chuẩn thiết bị kiểm tra xe cơ giới có hiệu lực từ ngày 08/10/2022.

Theo đó tất cả các loại phương tiện ô tô đều được điều chỉnh giá tăng thêm 10 ngàn đồng / xe so với mức phí ở thời điểm hiện hành. Cụ thể:

Loại xe cơ giới

Giá dịch vụ đăng kiểm hiện hành

Giá dịch vụ đăng kiểm theo quy định mới

Xe ô tô tải, đoàn xe ô tô (xe ô tô đầu kéo + sơ mi rơ moóc), có trọng tải trên 20 tấn và các loại xe ô tô chuyên dùng

560 nghìn đồng

570 nghìn đồng

Xe ô tô tải, đoàn xe ô tô (xe ô tô đầu kéo + sơ mi rơ moóc), có trọng tải trên 7 tấn đến 20 tấn và các loại máy kéo

350 nghìn đồng

360 nghìn đồng

Xe ô tô tải có trọng tải trên 2 tấn đến 7 tấn

320 nghìn đồng

330 nghìn đồng

Xe ô tô tải có trọng tải đến 2 tấn

280 nghìn đồng

290 nghìn đồng

Máy kéo bông sen, công nông và các loại phương tiện vận chuyển tương tự

180 nghìn đồng

190 nghìn đồng

Rơ moóc, sơ mi rơ moóc

180 nghìn đồng

190 nghìn đồng

Xe ô tô khách trên 40 ghế (kể cả lái xe), xe buýt

350 nghìn đồng

360 nghìn đồng

Xe ô tô khách từ 25 đến 40 ghế (kể cả lái xe)

320 nghìn đồng

330 nghìn đồng

Xe ô tô khách từ 10 ghế đến 24 ghế (kể cả lái xe)

280 nghìn đồng

290 nghìn đồng

Xe ô tô dưới 10 chỗ ngồi, xe ô tô cứu thương

240 nghìn đồng

250 nghìn đồng

Ngoài ra những xe cơ giới kiểm định không đạt tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phải bảo dưỡng sửa chữa để kiểm định lại. Giá các lần kiểm định lại được tính như sau:

- Nếu việc kiểm định lại được tiến hành cùng ngày (trong giờ làm việc) với lần kiểm định đầu tiên thì: miễn thu đối với kiểm định lại lần 1 và 2, kiểm định lại từ lần thứ 3 trở đi mỗi lần kiểm định lại thu bằng 50% mức giá quy định.

- Nếu việc kiểm định lại được tiến hành sau 01 ngày và trong thời hạn 07 ngày (không kể ngày nghỉ theo chế độ) tính từ ngày kiểm định lần đầu, mỗi lần kiểm định lại thu bằng 50% giá quy định.

- Nếu việc kiểm định lại được tiến hành sau 7 ngày (không kể ngày nghỉ theo chế độ) tính từ ngày kiểm định lần đầu thì giá kiểm định được tính như kiểm định lần đầu.

Cafeauto

Ngày 16/6/2022, Bộ Tài chính cũng ban hành Thông tư số 36/2022/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư số 199/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý lệ phí cấp giấy chứng nhận bảo đảm chất lượng, an toàn kỹ thuật đối với máy móc, thiết bị, phương tiện giao thông vận tải có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn.

Theo nội dung Thông tư, lệ phí cấp giấy chứng nhận kiểm định đối với tất cả các loại xe ô tô có mức giảm 10 nghìn đồng/giấy, áp dụng từ 1/8. Cụ thể như chứng nhận kiểm định đối với xe ô tô con dưới 10 chỗ giảm từ 100 nghìn đồng/xe xuống còn 90 nghìn đồng/xe; các loại xe khác giảm từ 50 nghìn đồng xuống còn 40 nghìn đồng/xe.

Nếu tính tổng chi phí theo hai Thông tư 55 và Thông tư 36 cùng có hiệu lực từ 8/10/2022 thì cơ bản các mức phí cho việc kiểm định các phương tiện kỹ thuật sẽ không có sự thay đổi so với trước ngày 1/8/2022.

Bỏ các quy định về tính tỷ lệ nội địa hóa ô tô từ 1/10

Bộ Khoa học và Công nghệ vừa có Thông tư 11/2022/TT-BKHCN bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành trước đó, trong đó có Quyết định số 28/2004/QĐ-BKHCN ngày 01/10/2004 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô. Thông tư 11/2022/TT-BKHCN này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/2022.

Việc bãi bỏ các quy định này được cho là phù hợp với sự phát triển, thay đổi quy trình công nghệ sản xuất, lắp ráp ô tô của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam và trên thế giới hiện nay nhằm bảo đảm tính minh bạch, hợp lý, không gây phát sinh thủ tục hành chính, thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đầu tư và khoa học và công nghệ, bảo đảm được các điều ước và hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với các nước khác.

Cafeauto

Trước đây, nhằm thực hiện “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020" của Thủ tướng, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành quy định về mức độ rời rạc của linh kiện ô tô nhập khẩu. Mục đích của quy định này chính là để phục vụ cho phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô (tính điểm theo mức độ rời rạc).

Hiện nay, các văn bản quy định về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô đã không còn phù hợp với thực tiễn phát triển của ngành công nghiệp ô tô, bởi Việt Nam hiện vẫn sử dụng cách tính tỷ lệ nội địa hóa theo cụm chi tiết được sản xuất trong nước. Trong khi đó, các nước ASEAN lại tính theo tổng giá trị của từng chi tiết cộng lại. Tuy nhiên, Bộ Tài chính có công văn đề nghị lùi thời hạn trên cho đến khi có nghị định mới.

Ngoài hai chính sách đáng chú ý trên thì trước đó đã có hàng loạt quy định đáng chú ý như không cải tạo xe 16 chỗ thành xe limousine chở khách, gửi hàng trên xe khách phải khai báo cả số CCCD hay siết chặt việc nhập khẩu phi thương mại đối với ô tô, xe máy,....

(Theo cafeauto)